Đối với các doanh nghiệp, mối đe dọa đến từ những khách hàng giận dữ chưa bao giờ lên cao như hiện nay. Công nghệ di động và mạng xã hội đã trao cho khách hàng – đặc biệt là những người không hài lòng – tiếng nói lớn mạnh hơn bao giờ hết.
Với mạng xã hội, những khách hàng giận dữ có thể tổ chức một cuộc phản đối lan rộng, làm tổn hại danh tiếng của một công ty, ảnh hưởng đến doanh số và doanh thu.
Nói đến dịch vụ khách hàng, hầu hết mọi người đều nghĩ đến các hình thức đã từng có như điện thoại, email và xây dựng quy trình dịch vụ dựa trên những kênh này. Nhưng một sự thay đổi rất lớn trong mong đợi của khách hàng đang diễn ra, khi mà khách hàng đang chuyển từ truyền thông riêng với các công ty sang truyền thông công khai trên mạng xã hội, nhận xét trên trang mạng và diễn đàn thảo luận.
Vụ bê bối gần đây nhất của Hãng hàng không Mỹ United Airlines đã cho thấy “sức mạnh bão táp” của mạng xã hội đối với danh tiếng của một thương hiệu. Với cái giá quá cao đến từ sự không hài lòng của khách hàng, các công ty cần những kế hoạch hành động để phản ứng hiệu quả. Họ cần tìm ra cách biến sự giận dữ của khách hàng thành điều có lợi cho doanh nghiệp. Có thể nói, hiện giờ, dịch vụ khách hàng giống như một môn thể thao thu hút nhiều khán giả. Các thương hiệu cần hiểu rõ cuộc chơi để có thể chiến thắng.
ay Baer, tác giả của “Hug Your Haters: How to Minimize the Impact of Angry Customers” (tạm dịch: Hãy yêu người ghét bạn: Làm cách nào để giảm thiểu tác hại của những khách hàng đang giận dữ) và Tyler Douglas, Giám đốc tiếp thị của Vision Critical – một công ty chuyên về phần mềm tình báo khách hàng đã chia sẻ những cách mà một doanh nghiệp có thể học được từ những khách hàng giận dữ.
Nhận biết tầm quan trọng từ những lời phàn nàn của khách hàng
“Không giống với các khách hàng thờ ơ, người phàn nàn, người ghét bạn ít nhất đã dành thời gian để phản hồi”, tác giả Jay Bayer nói. “Đó chính là một hệ thống phát hiện sớm các vấn đề cho doanh nghiệp của bạn. Họ sẽ cho bạn biết doanh nghiệp của bạn cần cải thiện điều gì nếu như bạn dành thời gian để lắng nghe”.
Hồi đáp mọi lời phàn nàn
Doanh nghiệp cần xem mọi lời phàn nàn như cơ hội để tạo nên trải nghiệm sâu sắc hơn về thương hiệu, thay vì chỉ xem đây là một vụ mua bán hay giao dịch đơn thuần. Khi bạn trả lời tất cả phàn nàn ở mọi kênh, mọi lúc, bạn sẽ bồi đắp nhiều giá trị hơn nữa cho thương hiệu. Chẳng hạn, trả lời một câu phàn nàn trên trang web của doanh nghiệp giúp tăng sự ủng hộ cho thương hiệu lên 16%, nếu là trên mạng xã hội thì sẽ tăng sự ủng hộ lên 20%. “Bạn có thể chọn cách nhìn các khách hàng này như một đối tượng hoàn toàn có lợi cho doanh nghiệp. Bạn có thể đón nhận những sự phàn nàn và giữ được khách hàng”, Baer nói.
Sử dụng sự giận dữ của khách hàng như một chất xúc tác cho thay đổi tích cực
Giải quyết sự bực tức của khách hàng là một thách thức liên tục cho các thương hiệu, nhưng cũng là một cơ hội để lắng nghe và thúc đẩy sự thay đổi. Các công ty nắm bắt được cơ hội này có thể cải thiện mối quan hệ của họ với khách hàng và nhận được phản hồi có giá trị để thúc đẩy cải cách và thành công. “Đôi khi, những khách hàng giận dữ nhất là những người yêu bạn nhất. Bạn cần hiểu điều gì làm họ giận để định vị tốt hơn cho doanh nghiệp của bạn trong cách phản ứng trước khủng hoảng, khi tiên liệu các vấn đề và quan trọng hơn là tạo nên các giải pháp”. Đó là chia sẻ của ông Tyler Douglas, Giám đốc tiếp thị của Vision Critical.
Hiểu sâu hơn về khách hàng của bạn
Chủ động là cách giúp doanh nghiệp tránh được phàn nàn của khách hàng ngay từ đầu. Để tránh được cơn thịnh nộ của khách hàng, các công ty cần thấu hiểu họ. Nhưng doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào các dữ liệu truyền thống, đo lường trên mạng xã hội và dữ liệu lớn (big data) có thể giúp hiểu tốt hơn về khách hàng. Thế giới đã thay đổi rất nhiều, con đường phía trước là xây dựng những đối thoại liên tục phát triển và cải thiện.
Quan trọng hơn, các công ty cần có được phản hồi của khách hàng trước khi chúng dần chuyển thành sự phàn nàn, giận dữ. Và sau hết, cách tốt nhất để giải quyết rắc rối là nhận ra rằng khách hàng là những người có phản hồi giá trị để đóng góp cho doanh nghiệp.
Long Hồ/Theo Doanh nhân Cuối tuần